Trang chủ / Thông tin y học

Nguy cơ ung thư ngày càng trẻ hóa ở người Việt và lời cảnh báo về thực phẩm

Tổ chức Y tế Thế giới vừa phát đi thông báo cảnh báo về tình trạng gia tăng bệnh nhân ung thư và Việt Nam đang nằm trong TOP 2 những nước có tỷ lệ ung thư cao trên bản đồ ung thư thế giới. Nghiêm trọng hơn, bức tranh ung thư đang trẻ hóa từng ngày.

Các chuyên gia đều cảnh báo những năm 89 – 90 của thế kỷ trước, ung thư là bệnh của những người trên 50 tuổi thì đến nay bệnh ung thư không từ một ai. Số ca mắc ung thư ở người trẻ ngày càng tăng.

Bức tranh ung thư ngày càng trẻ hóa

Theo thống kê của Cơ quan Nghiên cứu quốc tế về ung thư của WHO, số người bị ung thư trên toàn cầu đang tăng nhanh, ước tính với 18,1 triệu trường hợp mới và 9,6 triệu ca tử vong chỉ riêng trong năm 2018. Nghiêm trọng hơn, vào cuối thế kỷ này, ung thư sẽ là “kẻ giết người số một” trên thế giới và đây chính là rào cản lớn nhất trong việc tăng tuổi thọ của chúng ta.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Hội Phòng chống ung thư Việt Nam mỗi năm số ca mắc ung thư không ngừng tăng lên và trẻ hoá. Theo ước tính, năm 2018, số ca mắc mới sẽ tăng lên gần 165.000 ca/96,5 triệu dân, trong đó gần 70% trường hợp tử vong, tương đương 115.000 ca. Trong khi đó khoảng 71,4% trường hợp ung thư tới bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn.

Ung thư là một bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau và các bác sĩ cho rằng 70 – 80 % ung thư có thể phòng được. Trên 80% các yếu tố nguy cơ gây ung thư bắt nguồn từ môi trường sống. Các yếu tố nguy cơ xâm nhập vào cơ thể qua đường nước uống, không khí thở, qua đường tiếp xúc như ánh sáng, tia phóng xạ… Các yếu tố nguy cơ khi đồng thời xâm nhập vào cơ thể chúng ta, chúng có thể kích hoạt lẫn nhau và gây bệnh nhanh hơn, nặng hơn.

Trong phần báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016, do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày trước Quốc hội ngày 5/6, đã có những báo cáo cảnh tỉnh về tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm được phản ánh là diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương.

Tỷ lệ tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép là 8,47% đối với rau; kiểm tra đối với 54.750 lượt hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã phát hiện 9.056 hộ vi phạm (chiếm 16,54%); kiểm tra 2.064 đợt với 63.230 lượt cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phát hiện và xử lý trên 7.434 cơ sở vi phạm (chiếm 11,7%).

Quyền được biết nguồn gốc thực phẩm của người tiêu dùng

Trong một số năm trở lại đây, nhiều người bắt đầu nghĩ đến thực phẩm sạch và có nguồn gốc an toàn. Tuy nhiên, trên thị trường cũng có quá nhiều sản phẩm được gắn mác sạch và thực tế người tiêu dùng tin vào “tem mác” bởi họ cũng không đủ kinh nghiệm cũng như công cụ để biết được đâu là thực phẩm sạch tuyệt đối.

Tại một hội thảo “Làm gì để phát triển thị trường nông sản sạch?” mới được tổ chức cuối tháng 9 vừa qua, nhiều chuyên gia cho rằng người tiêu dùng còn quá dễ dãi trong chọn thực phẩm trong khi họ cần phải biết minh bạch nguồn gốc là Quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng khi bỏ tiền ra mua bất cứ thực phẩm nào về nhà.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tự xưng rất nhiều về sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch, từ việc tự xưng từ nhãn mác cửa hàng đến gói hàng, sản phẩm hữu cơ nhưng thực ra chứng nhận từ ai, của tổ chức nào đáng tin cậy không lại hoàn toàn không có căn cứ. Chính vì thế, để chọn được sản phẩm an toàn, người tiêu nên tìm những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

Hiện nay, có nhiều cửa hàng thực phẩm sạch khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm an toàn qua “chứng minh thư” của sản phẩm đó và có thể “test” thử nếu người tiêu dùng chưa tin tưởng.

Người tiêu dùng cần trang bị kiến thức để hiểu nguồn gốc, nhận thức về thực phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Sự chủ động lựa chọn những thực phẩm có quy trình sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ góp phần giúp tăng cường sức khỏe, tránh những tác hại xấu ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe của bản thân và gia đình.

Theo Tri Thức Trẻ