Trang chủ / Thông tin y học

Những thói quen “đẩy” bạn nhanh mắc đái tháo đường

Các thói quen không tốt trong ăn uống

Bỏ bữa sáng: Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày và có thể giúp ngăn ngừa đái tháo đường týp 2. Việc nhịn đói đến trưa làm tăng những phản ứng phá hủy lượng insulin và khả năng kiểm soát đường huyết.

Để kiểm soát đường huyết và giảm cân, bạn hãy dành một ít thời gian ăn sáng với các món như trứng, bơ đậu phộng, trái cây tươi, sữa chua, bánh mì hoặc sandwich…

Ăn ít rau: Trong rau xanh có chứa nhiều chất xơ nên sẽ hỗ trợ hệ tiêu hóa trong cơ thể làm việc hiệu quả. Duy trì thói quen ăn đủ rau trong mỗi bữa ăn hàng ngày sẽ giúp làm chậm sự hấp thụ đường vào máu và giảm sự sản sinh insulin của tuyến tụy. Muốn kiểm soát đường huyết và giảm cân, bạn nên ăn nhiều rau củ (loại không có tinh bột) như rau chân vịt, bí đỏ, cà chua và bông cải xanh.

Xen kẽ các bữa ăn chính là các bữa ăn phụ với các loại trái cây giàu chất chống ôxy hóa như dâu tây, việt quất, Nam việt quất… Những thực phẩm này giúp giảm huyết áp, giảm tổn thương do viêm nhiễm và cải thiện tình trạng kháng insulin nên có thể kiểm soát đường huyết tốt.

Không ăn cá: Những loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá ngừ đều rất giàu axit béo omega 3 nên giúp làm giảm huyết áp trong cơ thể rất tốt.

Đồng thời nó còn ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim mạch và giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Thế nên, nếu ai đang có thói quen không động đến món cá trong mỗi bữa ăn thì nên sửa ngay từ bây giờ nhé.

Ăn bánh ngọt vào bữa sáng và tiêu thụ quá nhiều đồ ăn nhanh: Các loại bánh ngọt nướng, bánh muffin… rất tiện lợi cho bữa sáng nhưng chúng nhanh chóng bị phân hủy thành những loại đường đơn giản không tốt cho sức khỏe và làm đường huyết tăng cao.

Hãy ăn sáng bằng ngũ cốc nguyên hạt, cam, sữa chua, bơ đậu phộng… để ngăn ngừa nguy cơ mắc đái tháo đường.

Những chiếc burger, pizza, hay khoai tây chiên… đều có thể là một trong các tác nhân làm tăng lượng đường trong máu và kéo theo tình trạng thừa cân, béo phì. Do đó, bạn chỉ nên tiêu thụ chúng ở một mức vừa phải để tránh nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

Thức uống giàu calorie: Nước ép trái cây có đường, trà có đường, trà chanh, trà đường, nước ngọt chỉ có nhiều đường, chứa calorie rỗng và không có giá trị dinh dưỡng nào.

Chúng tưởng chừng như vô hại, nhưng chúng lại chứa hàm lượng calorie cao tương đương với soda. Một số nghiên cứu cho thấy những người uống một thứ nước ngọt có đường tăng 25% nguy cơ bị tiểu đường.

Uống rượu và hút thuốc lá: Uống quá nhiều rượu dẫn tới sự biến động mạnh mẽ lượng đường trong máu. Ngoài carbohydrate, cả bia và rượu đều có chứa calo làm cho việc giảm cân trở nên khó khăn hơn và dễ mắc hội chứng chuyển hóa.

Hút thuốc lá làm giảm lưu lượng máu tới cơ và tăng mức độ căng thẳng, từ đó tăng nguy cơ kháng insulin. Hơn nữa, nicotine trong thuốc lá có thể làm tăng nồng độ hemoglobin A1C trong máu của những người tham gia lên đến 34%.

Hemoglobin A1C là một chỉ số xét nghiệm máu giúp nhận biết mức đường huyết trung bình trong khoảng 2-3 tháng. Nếu chỉ số quá cao, nó có nghĩa là lượng đường trong máu của bạn không được kiểm soát tốt trong thời gian này.

Ăn nhiều muối và thịt đỏ: Tiêu thụ quá nhiều natri khiến cơ thể tích nước, làm tăng huyết áp. Chúng gây áp lực lên thành động mạch, làm tăng nguy cơ vỡ hoặc tắc nghẽn. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ lưu ý rằng huyết áp cao có liên quan đến nguy cơ gia tăng mắc bệnh tiểu đường.

Ăn quá nhiều thịt đỏ cũng gây những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Thịt bò và các loại thịt chế biến khác có hàm lượng chất béo bão hòa cao có thể làm gia tăng sự đề kháng insulin ở người bị đái tháo đường. Vì thế, hãy ăn thịt nạc, cá và đậu khi cố gắng kết hợp protein vào chế độ ăn kiêng bệnh tiểu đường.

Ăn khuya: Những cơn đói vào ban đêm thường khiến bạn rất khó chịu. Do đó, bạn thường phải kiếm gì đấy để lấp đầy bụng. Tuy nhiên, nếu “nuông chiều” thói quen này thì bạn sẽ gây hại cho bản thân vì ăn kiểu này có thể làm tăng đường huyết và làm gián đoạn bài tiết insulin, gây nguy cơ mắc đái tháo đường týp 2.

Những thói quen khác

Ngủ quá ít và thức khuya: Giấc ngủ rất quan trọng với sức khỏe. Cách thức chúng ta ngủ có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, các hormon kiểm soát sự thèm ăn và thậm chí ảnh hưởng đến khả năng nhận thức của não đối với các loại thực phẩm. Hơn thế nữa, việc thiếu ngủ còn làm suy yếu khả năng đáp ứng của các tế bào mỡ với insulin.

Nếu không ngủ đủ 6-8 giờ mỗi đêm, quá trình chuyển hóa chất béo của cơ thể sẽ bị xáo trộn. Bên cạnh đó, khi ngủ muộn bạn cần phải ăn thêm, nên lượng thức ăn không được tiêu hóa hết. Lâu dần, điều này sẽ tạo ra mô mỡ tích lũy trong cơ thể, gây tăng cân, béo phì.

Ngoài ra, nếu bạn ngáy khi ngủ, hãy thông báo cho bác sĩ vì đây là dấu hiệu cho thấy bạn bị ngưng thở khi ngủ, ảnh hưởng đến đường huyết, sức khỏe của tim và có thể dẫn đến tiểu đường.

Stress và thừa cân: Sự phiền muộn, chán nản, lo lắng trong một thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường. Nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường sẽ càng tăng lên ở những người “sở hữu” cả hai yếu tố: stress và thừa cân.

Chất epinephrine (sinh ra khi thần kinh bị kích động, stress) sẽ có tác dụng đánh tan mỡ thừa trong cơ thể, dẫn đến việc dư thừa axit béo. Khi cơ thể hoạt động, các axit béo này sẽ tiêu hao, như vậy glucose trong cơ thể sẽ bị dồn lại, không được đốt cháy. Glucose không bị đốt cháy sẽ dư thừa, dẫn đến lượng đường trong máu tăng, lâu dần thành bệnh đái tháo đường.

 

ST